Chucly

Thứ Hai, 3 tháng 3, 2014

Minh Vương : 50 năm trạng nguyên vọng cổ

Cách đây tròn 50 năm, Ban cổ nhạc Trường Giang của thầy đờn Út Trong đã đứng ra tổ chức cuộc thi ca vọng cổ mang tên “Khôi nguyên vọng cổ”. Trong vòng chung kết diễn ra tại rạp hát Quốc Thanh (Sài Gòn), thí sinh Nguyễn Văn Vưng đoạt giải nhất, Diệu Nga đạt giải nhì và Xuân Lan giải ba.

Nghe:

Nói nôm na thì giải nhất tức là “Trạng nguyên” của Khôi nguyên vọng cổ năm 1964. Vị trạng nguyên năm đó chẳng ai xa lạ mà chính là giọng ca trứ danh Minh Vương của làng tài tử-cải lương Nam Bộ. Nghệ sỹ Minh Vương tên thật là Nguyễn Văn Vưng, sinh năm 1950 tại Cần Giuộc-Long An. Năm lên 10 tuổi, Vưng theo cha mẹ lên Sài Gòn sinh sống ở khu vực cầu Chữ Y.

Hồi những năm 1950-1960, cải lương ở thời cực thịnh. Làng giải trí hầu như bị cải lương thống trị với rất nhiều đoàn hát từ lớn tới nhỏ, hoạt động từ trong Nam ra ngoài Bắc. Những đại ban như Kim Chưởng, Kim Chung, Thanh Minh-Thanh Nga, Dạ Lý Hương…đã đưa lên bầu trời nghệ thuật cải lương không biết bao nhiêu ngôi sao sáng.

Một bước chiếm bảng vàng

Trong bối cảnh đó, nhiều “lò” dạy ca cổ nhạc cũng nổi lên. Những lò này do các tay đờn cổ nhạc có tiếng tự dựng, qua quen biết hoặc nhờ tiếng tăm mà nhiều người đến học. Các lò của những danh cầm như Văn Vĩ, Út Trong hay Bảy Trạch đều thuộc hàng trứ danh.

Lò của danh cầm Bảy Trạch nằm gần cầu Chữ Y, nơi gia đình cậu bé Nguyễn Văn Vưng trú ngụ. Mỗi ngày khi đi hớt lăng quăng về nuôi cá lia thia, Vưng bị “mê hoặc” bởi tiếng của lò Bảy Trạch. Vào năm 1963, tức năm Vưng được 13 tuổi, Vưng đã chính thức được nhận vào lò Bảy Trạch học ca miễn phí.

Vào thời điểm đó, như tổ nghiệp đã cố tình sắp đặt để ban tặng cho sân khấu cải lương một giọng ca mới lạ, nên mới khiến xui cho nhóm của danh cầm trứ danh gốc Bến Tre Út Trong thành lập một nhóm đờn ca cổ nhạc tên Trường Giang trên đài phát thanh Sài Gòn. Rồi vào cuối năm 1964, nhóm Trường Giang đứng ra “chủ xị” tổ chức một cuộc thi vọng cổ mang tên “Khôi nguyên vọng cổ”. Có lẽ khi ấy, danh hiệu “Vua vọng cổ” đang nằm trong tay Út Trà Ôn, nên cuộc thi chỉ dám gọi là “Khôi nguyên”, tức người đỗ đạt cao nhất thì cũng chỉ là “Trạng nguyên” mà thôi.

Khôi nguyên vọng cổ năm 1964 thu hút hàng ngàn thí sinh tham dự đến từ đủ các lò cổ nhạc ở khắp mọi nơi. Vòng chung kết diễn ra tại rạp hát Quốc Thanh, Sài Gòn. Ba người đỗ giải đầu xếp vị trí như sau: Nguyễn Văn Vưng giải nhất, Diệu Nga giải nhì, và Xuân Lan giải ba. Nói nôm na, thì Vưng đoạt danh hiệu “Trạng nguyên”, Diệu Nga đoạt danh hiệu “Bảng nhãn”, và Xuân Lan đoạt danh hiệu “Thám hoa”.

Ba vị khôi nguyên này lập tức được các đoàn hát “bắt đi”: Diệu Nga được mời về đoàn Thanh Minh-Thanh Nga, Xuân Lan về đoàn Kiên Giang, còn Nguyễn Văn Vưng thì được đại ban Kim Chung mời ký hợp đồng giá trị cả trăm ngàn. Ông bầu Long của đại bang Kim Chung đã đặt nghệ danh Minh Vương cho Vưng, và con đường gạo chợ nước sông của Minh Vương bắt đầu từ giải “Khôi nguyên vọng cổ” năm ấy.

Những vai diễn để đời

Khôi nguyên vọng cổ là một một cuộc thi tuyển chọn giọng ca chứ không phải là tuyển chọn nghệ sỹ chuyên nghiệp ca hay diễn giỏi như Giải Thanh Tâm của nhóm ký giả Trần Tấn Quốc. Bởi vậy, những người đoạt Khôi nguyên vọng cổ không thể nào ca không hay, nhưng để trở thành một nghệ sỹ cải lương chuyên nghiệp thành thạo cả ca lẫn diễn thì đòi hỏi còn phải trau dồi thực tiễn sân khấu rất nhiều.

Cũng như hầu hết các nghệ sỹ cải lương thế hệ vàng, Minh Vương bước dần trên con đường tiến tới đỉnh cao nghệ thuật. Sau khi đoạt giải Khôi nguyên vọng cổ, Minh Vương được đưa về một đoàn trong đại ban Kim Chung đóng kép nhì cho cặp đào kép Minh Phụng-Lệ thủy. Hồi ấy, khi Minh Vương mới chập chững vào nghề, thì Minh Phụng-Lệ Thủy đã là cặp đào kép chánh nổi tiếng vang dội được báo chí gọi là “Cặp bão biển đang lên”. Nói riêng về kép thì khi ấy, Minh Phụng nổi tiếng là kép đẹp ca hay. Rồi bây giờ Minh Vương xuất hiện, Kim Chung có thêm một kép đẹp ca hay nữa. Bởi dù muốn dù không, thì thế mạnh của Kim Chung hồi đó vẫn là ca.Thời đó, khi quảng cáo, thì Kim Chung thường câu khách bằng liên danh kép đẹp Minh Phụng-Minh Vương.

Ở đoàn Kim Chung, Minh Vương vất vả trau dồi một thời gian dài, và mãi đến đầu những năm 1970, Minh Vương mới thật sự trở thành anh kép chánh, tạo được chỗ đứng riêng trên sân khấu cải lương. Các hãng dĩa thi nhau mời Minh Vương thu âm. Hãng dĩa Việt Nam của bà Sáu Liễu mời Minh Vương thu âm nhiều vai tuồng mà các bậc nghệ sỹ tiền bối của Minh Vương đã thành công trên sân khấu trước đó.

Từ đó, giọng ca Minh Vương thật sự trở thành một làn gió mới ru hồn khán giả, để đến hiện tại người mộ điệu vẫn còn có thể thưởng thức giọng ca Minh Vương trong một loạt các tuồng nổi tiếng: Máu nhuộm sân chùa, Mùa xuân ngủ trong đêm, Đêm lạnh chùa hoang, Kiếp nào có yêu nhau, Tâm sự loài chim biển, Người tình trên chiến trận, Tô Ánh Nguyệt, Đời Cô Lựu, Rạng ngọc Côn Sơn và Đường gươm Nguyên Bá…

Nói về hai vở Tô Ánh Nguyệt và Đời Cô Lựu, thì đây là hai vở xã hội hiện thực kinh điển của soạn giả Trần Hữu Trang, được viết và trình diễn mấy chục năm trước khi Minh Vương ra đời. Các thế hệ bậc thầy của Minh Vương như Tư Sạn, Tám Thưa, Năm Nghĩa, Phùng Há, Năm Châu, Út Trà Ôn … đã để lại cái bóng quá lớn trong các vở này. Bởi vậy, muốn làm mới và để cho khán giả chấp nhận quả thật không phải là chuyện dễ.

Tuy nhiên, các nghệ sỹ thế hệ sau đã không làm thất vọng người đi trước khi đã tạo được ấn tượng mới trong hai vở tuồng này với nhiều gương mặt trở thành bất tử như: Diệp Lang, Thành Được, Ngọc Giàu, Hồng Nga, Thanh Tòng, Minh Vương, Lệ Thủy, Bạch Tuyết …

Riêng đối với hai cô đào Lệ Thủy và Bạch Tuyết, thì mỗi người tên tuổi gắn liền với một tuồng: Bạch Tuyết với Đời Cô Lựu, Lệ Thủy với Tô Ánh Nguyệt. Ngọc Giàu thành công rực rỡ trong Đời Cô Lựu với vai Bà Hai Hương và Cô Bảy Cán Vá, nhưng lại không tham gia Tô Ánh Nguyệt. Diệp Lang thì để đời trong cả hai tuồng với vai Ông Hương Cả (Ba của Nguyệt) và Hội Đồng Thăng (Chồng sau của Cô Lựu). Minh Vương, trong vai trò là kép chánh trẻ, cũng đã để đời trong cả hai tuồng với vai Minh trong Tô Ánh Nguyệt, và Võ Minh Luân trong Đời Cô Lựu.

Minh Vương biết khai thác tối đa thế mạnh về giọng ca, và hỗ trợ hết sức đắc lực cho các vai diễn. Chẳng hạn như trong vở cải lương Đường gươm Nguyên Bá, Minh Vương đã ru hồn khán giả bằng một lối vô vọng cổ điêu luyện mà chỉ có những giọng ca khỏe, cao, có lực, và trữ tình cộng với một kỹ thuật điều hơi thượng thừa thì mới dám « đùa » . Đó là khi dứt bản Lý Con Sáo : "Càng buông lời lòng thêm xót xa, một mũi gươm nát tan đời hoa...", Minh Vương lập tức chồng hơi vô vọng cổ: "Nhưng Nguyên Bá tôi đã cho mình đáng chết khi dùng đường gươm oanh liệt để tạo nên tì vết cho một đóa… hoa… hồng..." . Thật ngọt, thật đẹp, thật sang trọng, tạo được một phong thái ung dung đĩnh đạc nhưng có chút đa tình của viên tướng trẻ Nguyên Bá lừng danh.

Chúng ta cũng có thể tìm thấy lối chồng hơi độc đáo của Minh Vương trong vở Đời cô Lựu với vai Võ Minh Luân. Ở màn gặp lại cha là Võ Minh Thành sau 19 năm gia đình ly tán, mẹ lấy ông hội đồng, còn cha thì bị lưu đày ngoài Côn Đảo. Tâm trạng một chàng thanh niên nhà quê ngày ngày đi câu cá nuôi mẹ già (Bà Hai Hương) vừa biết về quá khứ giông bão của gia đình đã được Minh Vương thể hiện trọn vẹn. Đến mức mà, thế hệ sau, dù có nhiều nghệ sỹ được mệnh danh là ngôi sao đóng, nhưng hễ nhắc đến Võ Minh Luân, là khán giả nghĩ trước tiên đến Minh Vương.

Và cũng bởi thế mà, dù ở tuổi trên lục tuần, Minh Vương vẫn luôn được yêu cầu diễn đi diễn lại vai chàng thanh niên 19 mà người xem không thấy chán. Trong vai diễn này, ở màn gặp lại cha, Võ Minh Luân-Minh Vương đã bất ngờ chồng hơi vô bản Văn Thiên Tường lớp dựng dây xề kép rất độc đáo: "Ba... hỡi ba..ơi.", cao vút, vừa ngọt, như là tiếng kêu xé lòng, đã khiến cho khán giả nhớ hoài cách ca diễn thượng thừa đó của Minh Vương.

Tuy nhiên, hai vai để đời mà ở đó hội tụ tất cả tinh hoa nghệ thuật ca diễn của Minh Vương là vai Nguyễn Trãi trong Rạng ngọc Côn Sơn, và vai Minh trong Tô Ánh Nguyệt. Rạng Ngọc Côn Sơn là một vở lịch sử Việt Nam ca ngợi tài đức của Nguyễn Trãi, người đã góp công quan trọng trong chiến thắng chống quân Minh để dựng nên nhà Hậu Lê, và cũng là người đã phải chết oan vì nhà Hậu Lê. Bối cảnh vở tuồng đề cập đến giai đoạn Nguyễn Trãi đã từ quan về ở ẩn tại Côn Sơn, tức lúc không còn trẻ nữa. Bởi vậy, kép đóng vai này đòi hỏi phải có giọng lão, và có một trình độ ca diễn thượng thừa mới có thể lột tả được thần thái của một nhân vật lịch sử văn hóa lớn như Nguyễn Trãi.

Hồi đầu những năm 1980, khi dựng Rạng ngọc Côn Sơn, đạo diễn khi ấy định nhờ đến « sư phụ » Út Trà Ôn vào vai Nguyễn Trãi. Có thể nói, đây là một dự định rất phù hợp, vì Út Trà Ôn thừa khả năng để đảm đương vai này. Minh Vương khi ấy mới độ 30 tuổi, còn là một kép trẻ đẹp. Giọng ca Minh Vương lại là « giọng kép trẻ » chứ không phải giọng lão. Thế nhưng, Minh Vương đã bạo gan thử sức, và được sự tán đồng của đạo diễn và của bậc tiền bối Út Trà Ôn. Thực tế đã chứng minh, Minh Vương không phụ sự kỳ vọng của các bậc tiền bối khi đã làm bất tử vai Nguyễn Trãi trong cách diễn lẫn cách ca « rất Minh Vương ».

Trong cách diễn, chàng kép trẻ tuổi 30 diễn vai một vị quan văn tuổi độ 60 rất thành công : không quá lụ khụ, nhưng động tác đủ chậm để thể hiện tuổi tác, đủ thanh thoát để thể hiện thần thái của một bậc ẩn sĩ. Minh Vương đã sử dụng hiệu quả giọng ca cao, trữ tình để thể hiện tâm trạng bi hùng của một vị công thần khai quốc trước vận mệnh của non sông, trước những đổi thay của thời cuộc. Minh Vương lại có tài cá nhấn nhá độc đáo, khiến các câu ca lời thoại mặc sức dễ dàng đi vào lòng người.

Đến với vai Minh trong Tô Ánh Nguyệt, Minh Vương đã tạo ra một ranh giới cho vai diễn này mà thế hệ sau chưa thấy có ai bước tới. Trong Tô Ánh Nguyệt, ở những màn đầu Minh Vương thể hiện một vai Minh trẻ trung, hồn nhiên trong tình yêu đôi lứa. Nhưng, đến những màn 18 năm sau khi đã cưới vợ theo lệnh mẹ cha và phải lìa xa Nguyệt, Minh Vương đã xuất thần khi thể hiện xuất sắc hình ảnh một người đàn ông trung niên bị giày vò trong nỗi hối hận triền miên nên trở nên già trước tuổi, đến nỗi phải mắc bệnh trầm kha.

Cái tâm trạng khổ đau, cái tình yêu trước sau như một dành cho Nguyệt, nỗi niềm bất mãn với những đổi thay bất chợt của cuộc đời, đã được giọng ca và cách diễn của Minh Vương thể hiện một cách « không thể nào hay hơn được nữa ». Và từ đó, hễ nhắc đến Tô Ánh Nguyệt là người mộ điệu nghĩ ngay đến Minh Vương-Lệ Thủy, và hễ gặp Lệ Thủy hát Tô Ánh Nguyệt mà không với Minh Vương là người xem cảm thấy thiếu một cái gì đó không thể giải thích được. Hai vai diễn này đã góp phần quan trọng cho Lệ Thủy và Minh Vương liên tục được xem là cặp đào kép cải lương đẹp nhất và ăn ý nhất.

Ca như dòng suối chảy

Bàn riêng về giọng ca, Minh Vương là một trong những giọng ca bậc thầy của làng tài tử-cải lương. Ở đây nhắc đến chữ « tài tử » là bởi vì dù là nghệ sỹ cải lương chuyên nghiệp, nhưng giọng ca Minh Vương vẫn giữ được một lượng chân phương vừa đủ của tài tử, một lề lối ca đúng tinh thần của các bài bản cổ nhạc. Tức là ca điệu oán thì ra oán, mà điệu nam thì ra nam, chứ không chỉ có sự đúng nhịp mà thôi. Trong làng sân khấu cải lương, không có nhiều nghệ sỹ, dù là nổi tiếng, làm được chuyện đó. Chẳng những vậy mà có nghệ sỹ còn cách tân quá đà để khi ca thì ngày càng mất dần nét chân phương quý báu của tài tử-cải lương.

Minh Vương xuất thân từ lò ca tài tử của danh cầm Bảy Trạch. Mấy tay đờn cổ nhạc thì phải biết, họ rất nghiêm khắc về cách ca sao cho đúng tinh thần của mỗi bài bản : như ca Nam Xuân thì phải hùng hồn, mà ca Nam Ai thì phải làm não lòng người khác… Minh Vương học ca được một năm và sau đó đi thi đoạt luôn giải nhất Khôi nguyên vọng cổ. Đây không phải là một điều dễ dàng, bởi khi ấy có biết bao nhiêu lò luyện, biết bao nhiêu giọng ca. Nếu Minh Vương không thực sự là một giọng ca có bản lĩnh riêng, thì không thể nào đứng đầu « bảng vàng » chỉ sau một năm học ca như vậy.

Khôi nguyên vọng cổ đã tạo đà cho Minh Vương leo lên đỉnh cao của nghệ thuật ca diễn. Nên nhớ rằng, đại bang Kim Chung hồi trước có thế mạnh là có đào kép đẹp và những giọng ca mới lạ. Bởi vậy, về với Kim Chung là Minh Vương đã về đúng nơi cần đến để có điều kiện trau dồi, học hỏi nâng cao chất lượng giọng ca.

Khi Minh Vương còn đang mài mò tìm lối riêng cho giọng ca của mình, thì phía trước Minh Vương đã có hai đàn anh nổi tiếng vang dội thời đó là Minh Cảnh và Minh Phụng. Nhờ đó, mà cái tên Minh Vương thường được gọi kèm chung với hai đàn anh là « Tam Minh », tức « Minh Cảnh-Minh Phụng-Minh Vương ». Thế nhưng, đây cũng là một trở ngại lớn đối với Minh Vương vì hai ngôi sao Minh Cảnh và Minh Phụng quá sáng chói và Minh Vương khó có cơ hội sáng lên cho được.

Thời gian trôi qua, Minh Vương đã dần chứng minh được bản lĩnh khi giọng ca Minh Vương đã « đủ cân đủ lượng » đứng độc lập ở một góc trời riêng. Có một số người xếp Minh Vương và Minh Phụng vào trường phái ca của Minh Cảnh. Thế nhưng, nghe kỹ lại, đây là ba chất giọng và ba kiểu ca rất riêng biệt.

Trong thập niên 1960, Minh Cảnh được xem là một giọng ca « lạ », cách tân với lối ca lạng bẻ, kiểu cọ, khác biệt với các bậc tiền bối ca lối thiên về chân phương như Út Trà Ôn hay Hữu Phước. Giọng ca Minh Vương có giống với Minh Cảnh là nghe rất nhẹ, rất mướt. Còn lại, thì Minh Vương ca thiên về lối chân phương của Út Trà Ôn. Tức là ca không cầu kỳ lạng bẻ mà thánh thoát nhẹ nhàng, bình dị, giữ được nét mộc mạc của đờn ca tài tử. Minh Vương có làn hơi khỏe khoắn, trong, âm vực rộng lên thật cao, xuống thật thấp vẫn tròn vành rõ chữ, có thể ca nhiều tông khác nhau mà không bị lạc giọng, không bị tù hơi. Giọng Minh Vương thanh thoát, chân phương, bình dị, có chút mùi mẫn, trữ tình, đầy nam tính và không bi lụy.

Nói về nhịp nhàng, Minh Vương là một trong những nghệ sỹ bậc thầy về nhịp. Càng về sau, khi tài năng càng phát triển, Minh Vương ca không theo khuôn nữa, mà ca theo lối rải nhịp đều ở các câu như Út Trà Ôn. Minh Vương lại thường để nhiều chữ ở cuối câu rồi « ca lùa » rất hay. Cách ca này rất khó, bởi phải chắc nhịp lắm mới dám ca, nếu không sẽ tạo cảm giác vụng về ngay. Nghe Minh Vương ca, người nghe thật khó nhận biết đang ở nhịp nào, nhưng khi Minh Vương xuống nhịp cuối câu thì « y như để ».

Tuy nhiên, nét « đắt giá » nhất ở giọng ca Minh Vương, đó là ca rất trọng sự nhấn nhá theo phím đàn. Nghe Minh Vương ca, người nghe có cảm giác giọng ca và tiếng đàn hòa quyện vào nhau, để có khi nghe tiếng đờn nâng nhẹ lời ca, và để có khi nghe lời ca nhảy nhót tung tăng trên phím đàn. Cách nhấn chữ của Minh Vương theo phím đàn nghe rất rõ chữ đàn, và nghe rất « đã tai », giống như đang đứng xa xa vừa ngắm dòng suối vừa nghe tiếng nước suối chảy vậy. Phải có một tài năng ca thượng thừa mới có thể ca được như vậy.

Giọng ca Minh Vương đã ghi dấu ấn qua vô số bài vọng cổ thuộc đủ thể loại. Minh Vương ca vọng cổ theo lối tự sự xưa rất hay, và người mộ điệu hiện tại vẫn còn « mê mẫn » với rất nhiều bài kinh điển như: Lòng Dạ Đàn Bà, Lá Bàng Rơi, Gánh Nước Đêm Trăng, Đội gạo đường xa, Người đánh đàn trên Bắc Mỹ Thuận …

Những bài này thường dài đến 6 câu, viết theo lối kể chuyện tâm tình, nên rất kén giọng ca. Ca làm sao để không cho thấy buồn quá, không cho thấy dài dòng quá, để tránh tạo cảm giác nhàm chán cho người nghe. Với giọng ca Minh Vương, người mộ điệu nghe những bài trên, càng nghe thì càng thấy « đã ».

Còn đối với tân cổ giao duyên, Minh Vương đã thể hiện thành công vô số bài với nhiều nữ nghệ sỹ đủ các thế hệ. Giọng ca Minh Vương có nét tươi trẻ, nên ca tân cổ giao duyên là một lợi thế. Có thể kể một số bài nổi nhất như : Trương Chi Mỵ Nương, Người em Vĩ Dạ, Đám cưới trên đường quê, Chuyến tàu hoàng hôn, Màu tím hoa sim, Thân phận, Mimosa, Áo em chưa mặc một lần, Cô bán sầu riêng …

Thế nhưng, đặc biệt nhất là bài tân cổ giao duyên Bánh Bông Lan của soạn giả Loan Thảo. Đây là một bài ca theo kiểu đối đáp giữa một chàng trai đang theo đuổi một cô gái làm nghề bán bánh bông lan với lời văn rất dễ thương, nhưng rất khó ca vì hai người phải vừa ca vừa nói liên tục trong lòng bản. Bài hát này đã trở nên gắn liền với Minh Vương-Lê Thủy, tức nghe người khác ca người mộ điệu sẽ lập tức cảm thấy không được « đã ».

Xứng danh « Trạng nguyên vọng cổ »

Nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày đoạt Khôi nguyên vọng cổ, giọng ca Minh Vương vẫn trẻ trung, mượt mà, điêu luyện, và vẫn còn ru lòng người mộ điệu cải lương, kể cả thế hệ trẻ. Lối ca giữ được cái hồn mộc mạc và tinh thần bài bản của đờn ca tài tử là rất đáng quý ở Minh Vương. Giọng ca Minh Vương tựa như một dòng suối nhỏ : trong trẻo, không ồn ào mà âm thanh phát ra rất rõ, đủ để tưới mát những tấm lòng, đủ để ru hồn bằng những thanh âm nhấn nhá du dương, đủ để khiến người nghe được thả hồn theo lời ca tiếng đờn cổ nhạc. Nửa thế kỷ đã trôi qua, đến hiện tại, có thể nói rằng, Minh Vương luôn xứng danh là « trạng nguyên vọng cổ ».

Tạp chí RFI


Cải Lương

"Người Tình Trên Chiến Trận" - Minh Vương ft. Mỹ Châu ft. Diệp Lang ft. Thanh Sang


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét